2. CẤU TẠO
Đàn bầu có hai loại là đàn làm bằng tre và đàn làm bằng gỗ.
Đàn tre : Thân đàn được làm bằng ống tre, bương hoặc vầu, dài khoảng trên dưới 1 m, đường kính khoảng 12 cm.
Đàn gỗ : Thân đàn được làm bằng gỗ, có thể để trơn hay khảm trai. Đàn có nhiều hình dáng, kiểu cỡ khác nhau nhưng phổ biến nhất là loại đàn có thân thuôn dài, phía đầu đàn nhỏ hơn phía đuôi đàn. Chiều dài khoảng từ 0,95 cm – 1,10 cm, cao từ 13 cm – 15 cm, bề rộng mặt đàn từ 10cm – 12cm. Hai đầu bịt kín, bụng đàn khoét lỗ để âm thanh thoát ra được dễ dàng hơn và không phẳng sát với đất mà được nâng lên bởi phần đuôi đàn (gót đàn), cách mặt đất chừng 2cm. Mặt đàn mỏng khoảng 4mm thường được làm bằng gỗ ngô đồng, gỗ vông. Thành đàn thường được làm bằng các loại gỗ tốt như gỗ trắc, gỗ gụ, gỗ lát.
Về hình dáng, chất liệu của hộp cộng hưởng (tức thân đàn) của hai loại đàn có khác nhau nhưng về nguyên tắc cấu tạo thì giống nhau.
Dây đàn của cả đàn tre và đàn gỗ có chiều dài chạy suốt thân đàn. Ngày xưa dây được làm bằng dây móc, dây tơ tằm se thành sợi, về sau thay bằng dây sắt.
Cần đàn hay còn gọi là vòi đàn ngày xưa làm bằng tre nay được làm bằng sừng trâu.
Bầu đàn làm bằng vỏ quả bầu nậm khô (phía đằng cuống) sau thay bằng gỗ tiện giống hình quả bầu nậm.
Trục lên dây làm bằng tre (ở đàn tre hoặc vầu, bương) hoặc bằng gỗ (ở đàn gỗ), trục lên dây đặt ở phần hông đàn áp vào phía người ngồi chơi đàn.
Cách diễn tấu không giống với bất cứ cây đàn nào khác là được gẩy bồi âm và dùng cần đàn để căng dây lên hoặc chùng dây xuống mà tạo ra nhiều âm thanh với các cao độ khác nhau.
Que gẩy đàn : Que gẩy đàn là một bộ phận quan trọng trong diễn tấu đàn bầu. Hiện nay việc sử dụng que gẩy có kích thước ngắn đã tạo nhiều thuận lợi cho kỹ thuật diễn tấu đang được phổ biến tại nhiều cơ sở giảng dậy cũng như các đoàn biểu diễn. Que được vót bằng một đoạn ngắn của giang hoặc song với chiều dài 4,5 cm, thân bẹt dầy khoảng 5 mm, một đầu vót nhọn và được làm bông lên. Chính đầu bông xơ này đã tạo cho tiếng đàn ấm hơn.
Cách mắc dây đàn : Dây đàn bầu được thửa riêng, bằng sắt, cỡ 40 (0,4 – 0,45 mm), một đầu được mắc vào vòi đàn theo những bước như sau
- Lấy khoảng 3,5 cm đầu dây cuộn lại thành một vòng tròn sao cho đầu chót của dây thừa ra khoảng 1,5 cm.
- Vắt đoạn dây thừa qua vòng tròn như cách buộc dây bình thường, dùng tay bẻ gập lại để định hình (tạo thành một vòng thòng lọng).
- Tay trái cầm vòi đàn (vòi rời khỏi đàn), tay phải cầm bầu đàn và đầu dây có thòng lọng. Tra đầu trên của vòi đàn vào lỗ dưới của bầu đàn trước, sau đó đưa đầu dây có thòng lọng mắc vào vòi đàn, rồi xỏ nốt vòi đàn qua lỗ trên của bầu.
- Ấn cả bầu và dây đã mắc xuống sát gốc vòi, siết chặt dây sao cho dây đàn nằm chắc ở chính giữa phần loa của bầu đàn.
- Còn đầu kia của dây đàn được xỏ qua lỗ thủng sau ngựa đàn, sau đó lật ngược đàn lên xỏ tiếp dây qua lỗ trục khoá dây.
Cách lên dây đàn : Đàn bầu được lên dây bằng khoá sắt ở cuối thân đàn. Vặn khoá lên sao cho độ cao của âm thực (âm được bật trực tiếp vào dây) cao bằng nốt đô của quãng tám nhỏ (so với thanh mẫu hoặc dựa vào các cây đàn đã được định âm sẵn để lên dây). Với kích thước của đàn bầu được sản xuất ở các xưởng nhạc cụ như hiện nay thì việc lên dây đàn theo cao độ trên là chuẩn xác về âm sắc và độ vang, thuận lợi cho việc diễn tấu.