PHÂN LOẠI

 DÂN CA NAM BỘ



 Nói đến nghệ thuật ca hát dân gian cổ truyền Nam Bộ mà chỉ đóng khung trong một số làn điệu vọng cổ hay bài bản cải lương, ca nhạc tài tử, thì quả chưa đầy đủ. Mặc dầu chúng ta không phủ nhận tính hấp dẫn, yếu tố truyền cảm gây xúc động mạnh của các thể loại ca hát đó, nhưng đứng trên góc độ nghiên cứu mà xem xét, thì sự phiến diện nói trên có thể đưa đến những nhận định không toàn diện, và hiện tượng nhầm lẫn giữa ngọn và gốc có thể xảy ra. Nội dung vấn đề trao đổi của bài viết này nhằm tìm hiểu tính chất phong phú của nền dân ca Nam Bộ, một bộ phận trong kho tàng âm điệu dân gian phong phú và quí báu của đất nước ta.
  Sau đó, chúng ta sẽ được nhẹ nhàng, ung dung khua từng nhịp chèo nhặt khoan trên những dòng kênh lăn tăn gợn sóng, dưới những rặng dừa xanh vào những buổi chiều êm đẹp... rồi để có dịp bâng khuâng nghe những câu hò về đêm ngân vang dòng sông, bến nước... và khi tới tỉnh Minh Hải lắm cá nhiều tôm, đặt chân lên mũi Viên An, mỏm đất tận cùng của quê hương phương Nam... nghe biển Đông sóng vỗ quanh năm, một lần nữa, chúng ta càng được khẳng định thêm về khả năng vĩ đại chinh phục thiên nhiên, cải tạo hiện thực của con người trước bao nhiêu biến cố. Phải chăng phong cảnh thiên nhiên của thực tại vốn tràn đầy thơ mộng, nên càng khơi nguồn âm điệu dạt dào cho dân ca Nam Bộ giàu chất trữ tình, đậm màu thi vị... chắp cánh cho những hoài bão ước mơ sớm trở thành hiện thực...
  Việc xử lý kếu cấu này tùy thuộc vào phong cách, vào nội dung của từng vùng, nhằm thể hiện được tính cách riêng biệt, màu sắc độc đáo, chứ không phải là không có dụng ý. Thông thường do ý nghĩa của nội dung lời hò giữ vai trò quyết định, nên giai điệu của hò này được tiến hành theo đường nét bình ổn, "lên dần" hoặc "xuống dần", cố tránh những bước nhảy quãng đột xuất, nhằm tạo ra một phong vị êm đềm, nhẹ nhàng như kiểu "ngân nga, tự sự", nặng đi vào chiều sâu lắng hơn là ầm ĩ, huyên náo. Hoàn cảnh xã hội ngày càng thay đổi, nên nội dung và hình thức hò cũng được cải biên và bổ sung cho thích hợp. Ví dụ như, khi Mặt trận Bình dân bên Pháp chiếm được nhiều thắng lợi trên địa hạt chính trị, thì ở Nam Bộ, kế bên những loại hò mộc, hò huê tình, hò đối, hò thơ, hò truyện... lại xuất hiện thêm một loại hò gọi là hò quốc sự. Nội dung hò quốc sự đề cập đến những vấn đề chính trị cổ vũ và động viên tinh thần yêu nước của quần chúng. Sau đây là một đoạn của hò quốc sự....

Nội dung lớn của hò phần lớn dựa trên cơ sở của lối thơ lục bát, nhưng khi xử lý thì có thể giữ nguyên, hoặc có khi lại mở rộng dài hơn để khớp với âm điệu của câu hò. Vì thế việc sáng tác ra những câu hò được đông đảo quần chúng tham gia dễ dàng và nhanh chóng thu hút được sự hâm mộ của quần chúng. Về tháng bảy âm lịch, thường là mùa cấy rộ và cũng là lúc mà các "vạn" cấy (như phường, hội) được có dịp trổ tài vừa cấy giỏi lại vừa hò hay... và dĩ nhiên sau những lần gặp gỡ, biết mặt... biết tài nhau... là đến những lời hò hẹn cho những ngày sau mùa gặt hái...

  Kế bên những điệu hò trữ tình, êm dịu, dân ca Nam Bộ còn bao gồm những bài hát lý (hay là những điệu lý). Lý là những khúc hát ngắn gọn, vui tươi, dí dỏm, mang tính chất lạc quan yêu đời rõ nét với các nhịp điệu phong phú và sinh động.
Như bài Lý ngựa ô (Nam Bộ):
Lý con ngựa... ngựa ô (2 lần)
Anh tra khớp bạc, lục lạc đồng đen
Búp sen lá đậm - Dây cương đầm thấm
Cán roi anh bịt đồng thà...
Lá anh í a đưa nàng... là anh đưa nàng về dinh (2 lần)

  Nhưng cũng có khi, lý lại được pha lẫn vào chút ít màu sắc trữ tình man mác như bài Lý lu là:
Ai về giòng dứa mà qua truông
Nhắn thăm lu là với bậu ơ bậu ơi!
Bỏ buồn cho nàng ơi! mà cho ai?
Bỏ buồn cho nàng ơi! mà cho anh!

  Xét về phương diện âm hưởng nói chung toát ra từ các điệu hò và Lý Nam Bộ, chúng ta rút ra được chất tinh khiết, chân thật, tuy mộc mạc, pha lẫn chút ít âm điệu mênh mông của hò, với nhịp điệu sinh động, vui phơi phới đầy tươi mát của các điệu lý. Đặc biệt về mặt kết cấu, lý cũng có những phân biệt câu cú, khúc, đoạn rõ ràng. Sự trình bày phần âm điệu được mạch lạc, có tính nhất quán toàn bộ, và dễ phát hiện, không cầu kỳ, phức tạp, ngổn ngang.
  Cách vận dụng và xử lý các hệ thống điệu thức dân gian 5 cung hoặc 7 cung, hoặc 5 cung có thêm bớt bất thường trong thể loại lý, càng tạo thêm được nhiều sắc thái về giọng điệu, càng làm phong phú thêm, mở rộng ra nhiều khả năng kết hợp chặt chẽ giữa âm điệu và ngôn ngữ. Hiện nay, theo chỗ chúng tôi được biết thì các cơ sở nghiên cứu đã sưu tầm và chỉnh lý hơn 40 điệu lý như: Lý con sáo, Lý giao duyên, Lý cây bông, Lý chúc rượu, Lý chia tay, Lý cây gòn, Lý con chuột, Lý bình vôi v.v...
Mỗi điệu lý nói trên đều có một nội dung rõ rệt, hoặc phổ biến những kinh nghiệm sản xuất (như Lý đất dòng chẳng hạn), hoặc ca ngợi những đức tính tốt trong cuộc sống (như Lý Ba Tri), cái đẹp trong thiên nhiên (Lý cây xanh) hoặc oán trách nhau (như Lý lu là) hoặc mỉa mai, châm biếm bọn lý trưởng, cường hào (như Lý con chuột, Lý bình vôi, Lý con sam). Các chủ đề nhạc trong các điệu lý rất nhiều vẻ, dưới những hình thức rất độc đáo, nhưng lại rất quen thuộc với phong vị cổ truyền của quần chúng từ lâu đời.
  Trong quá trình cải biên, bổ sung, dĩ nhiên có một số chủ đề trong các điệu lý được sáng tạo, nâng cao. Trong số ấy, chúng ta có thể lấy bài Ru con làm ví dụ. Từ bái Lý giao duyên của vùng Trị Thiên, bài Lý giao duyên của Nam Bộ đã tiến lên trong một quá trình hoàn chỉnh hơn dưới một tựa đề mới là Ru con. Đó cũng là một quy luật, một đặc điểm cần lưu ý khi nghiên cứu vốn dân gian cổ truyền để chúng ta phân biệt được tính giao lưu và tính bổ sung đổi mới luôn luôn của nó.
  Các hoạt động dân ca Nam Bộ :

 
Dân ca là một mảnh đất trù phú, một kho tàng âm điệu vô tận, nơi tập trung của tất cả những nhân tố thể hiện trực tiếp nhất, sinh động nhất tính cách dân tộc của một địa phương hay một dân tộc nào đó. Và nền âm nhạc chuyên nghiệp với tất cả những hình thức phong phú muôn màu muôn vẻ của nó cũng đều bắt nguồn từ di sản dân tộc, từ vốn cổ truyền của thế hệ trước để lại. Vì thế, tìm hiểu được kho tàng quý báu ấy đã là một chuyện không dễ, nhưng cái khó hơn hết, cái quyết định hơn hết là cần phải biết gạn đục, khơi trong, phải biết chọn lọc, lấy ra cái gì "tinh" nhất để phục vụ tốt cho cái hiện tại. Đó là vấn đề rất thiết yếu mà các nhạc sĩ nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn, huấn luyện, không riêng cho một địa phương nào, đều nhận thấy trách nhiệm của mình trước nhân dân trong việc xây dựng một nền văn học nghệ thuật tiên tiến có tính chất dân tộc và tính nhân dân sâu sắc.
Share by: