LÝ 

Là một điệu hát vỗn thoát thai từ ca dao – tiếng nói của nhân dân lao động, Lý đã thực sự chinh phục được đông đảo quần chúng, đặc biệt là người bình dân, bởi đề tài và nội dung vô cùng phong phú, phản ánh sống động mọi khía cạnh trong sinh hoạt thương ngày ở nông thôn Việt Nam; thể hiện tình cảm trong quan hệ giữa người với người: tình yêu lứa đôi, tình cảm vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em, bè bạn…; thể hiện tinh thần lạc quan và yêu thương cuộc đời; ca ngợi cuộc sống và khát vọng hạnh phúc của con người…; ngoài ra còn có những bài ca thể hiện sự bất bình, phản đối gay gắt những bất công, phân biệt rạch ròi thị phi…
Việc sử dụng thể thơ lục bát vào điệu Lý, kết hợp những từ, cụm từ lặp từ, tiếng đệm, âm hơi ngỡ là thừa thãi nhưng đó lại là nghệ thuật thể hiện đầy đủ và rõ ràng nhất các cung bậc tình cảm của con người - lúc thiết tha, da diết, khi thì phấn khởi, vui tươi… một cách rất tự nhiên.
Như bài Lý ngựa ô (Nam Bộ):
Lý con ngựa... ngựa ô (2 lần)
Anh tra khớp bạc, lục lạc đồng đen
Búp sen lá đậm - Dây cương đầm thấm
Cán roi anh bịt đồng thà...
Lá anh í a đưa nàng... là anh đưa nàng về dinh (2 lần)
... Nhưng cũng có khi, lý lại được pha lẫn vào chút ít màu sắc trữ tình man mác như bài Lý lu là:
Ai về giòng dứa mà qua truông
Nhắn thăm lu là với bậu ơ bậu ơi!
Bỏ buồn cho nàng ơi! mà cho ai?
Bỏ buồn cho nàng ơi! mà cho anh!
Xét về phương diện âm hưởng nói chung toát ra từ các điệu hò và Lý Nam Bộ, chúng ta rút ra được chất tinh khiết, chân thật, tuy mộc mạc, pha lẫn chút ít âm điệu mênh mông của hò, với nhịp điệu sinh động, vui phơi phới đầy tươi mát của các điệu lý. Đặc biệt về mặt kết cấu, lý cũng có những phân biệt câu cú, khúc, đoạn rõ ràng. Sự trình bày phần âm điệu được mạch lạc, có tính nhất quán toàn bộ, và dễ phát hiện, không cầu kỳ, phức tạp, ngổn ngang.
Cách vận dụng và xử lý các hệ thống điệu thức dân gian 5 cung hoặc 7 cung, hoặc 5 cung có thêm bớt bất thường trong thể loại lý, càng tạo thêm được nhiều sắc thái về giọng điệu, càng làm phong phú thêm, mở rộng ra nhiều khả năng kết hợp chặt chẽ giữa âm điệu và ngôn ngữ.
Cái hay của hát Lý trước hết bởi nó là một loại dân ca sinh động về nội dung, phong phú về điệu thức, đa dạng về ngôn từ. Thứ hai là nó có thể xuất hiện trong hầu hết các loại ca của dân tộc, thường được xen vào các bài vọng cổ, cải lương, hát chèo, hát ả đào, hát quan họ, hát bộ, ca Huế, hát chầu văn… Lời ca chân chất, mộc mạc dễ hiểu, dễ thuộc, dễ hát nên Lý được sử dụng rộng rãi trong mọi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, trong mọi thôn cùng ngõ hẻm. Ai cũng có thể hát Lý và hát bất cứ nơi đâu: chèo xuồng, ru em, ngoài đồng…; bất cứ dịp nào: Lễ Tết, hội hè, đình đám…
Phải chăng vì thế mà Lý đã được người dân Nam Bộ bình chọn: “Nhất Lý, nhị Ngâm, tam Nam, tứ Oán”. Lý như là một món ăn tinh thần thiết yếu đến nỗi “Con cua quậy ở dưới hang. Nó nghe giọng Lý kềnh càng bò lên!”. Lý có sức quyến rũ lòng người và thật không sai khi nói Lý là viên ngọc quý trong kho tàng dân ca Việt Nam.


Quay lại trang trước
Share by: