ĐÀN TAM

ĐÀN TAM
1. CẤU TẠO

Về hình dáng cấu tạo đàn tam gồm có những bộ phận chính như sau:
• Bầu đàn hay hộp đàn: là khuôn gỗ dày hình chữ nhật (4 cạnh tròn), kích thước 14 – 17 cm. Thành đàn cao khoảng 5 cm, khá nặng, làm bằng gỗcứng. Mặt đàn bọc bằng da trăn hoặc da kỳ đà. Ở phần gần giữa mặt đàn là ngựa đàn. Trước đây hậu đàn bịt da, ngày nay làm bằng gỗ, có lỗ thoát âm.
• Cần đàn: dài, làm bằng gỗ cứng, trên mặt không có phím đàn.
• Đầu đàn: có hốc luồn dây và 3 trục dây (bên 2 trục, bên 1 trục). Đầu đàn hơi ngả về phía sau.
• Dây đàn: trước đây làm bằng tơ se, nay làm bằng dây nylon với kích thước khác nhau. Tổng cộng có 3 dây đàn móc vào cuối bầu đàn, chạy lên phía trên ngựa đàn đến cần đàn rồi xỏ vào trục dây được luồn qua miếng xương có 3 lỗ nằm trên mặt cần đàn. Người ta có thể di chuyên miếng xương này lên gần đầu đàn hay kéo xuống hướng bầu đàn để điều chỉnh độ căng, giãn của 3 dây đàn, giúp âm thanh cao lên hay trầm xuống. Nói cách khác, miếng xương này giống như cái khuyết ở đàn nhị. Tuy nhiên loại đàn tam ngày nay, nhất là loại thường dùng người ta đã bỏ miếng xương này.

2. ÂM THANH

Đàn tam có âm sắc không giống các đàn khảy dây khác như đàn tỳ bà, đàn nguyệt hay đàn tứ. Điều này có lẽ chịu ảnh hưởng phần nào bởi mặt bầu vang bịt da trăn. Đàn tam có màu âm vang, ấm, sáng sủa, thích hợp rộn rã. Dây đàn được lên cách nhau một quãng 4 đúng và 5 đúng Sol - Do -Sol hoặc Sol - Re - Sol. Tuy nhiên khi ở quãng thấp âm sắc đàn tam hơi đục, dùng để thể hiện những giai điệu trầm hùng, khỏe khoắn.
Đối với đàn tam cỡ vừa và lớn, âm sắc hơi mờ và đục hơn đàn cỡ nhỏ, âm thanh gần giống như tiếng trống. Các loại đàn tam đều có âm vực khoảng 3 quãng tám.

3. KỸ THUẬT BIỂU DIỄN

Người biểu diễn thường để móng tay dài ở ngón cái và trỏ để khảy đàn, nhưng có người lại dùng móng khảy bằng sừng hoặc bằng nhựa. Loại móng này có vòng để đeo vào đầu ngón cái và ngón trỏ như móng của đàn tranh.
• Dù khảy đàn bằng móng tay hay móng khảy kỹ thuật diễn đàn tam cũng không có gì khác biệt. Về cách dùng móng khảy, có một số kỹ thuật như sau:
Khảy: đánh vào dây đàn từ trên xuống.
Hất: dùng miếng khảy hất dây từ dưới lên.
Vê: dùng miếng khảy hất từ trên xuống và từ dưới lên một cách liên tục, giống như kỹ thuật reo dây của đàn tranh. Người diễn có thể vê trên 1 dây, 2 dây hoặc cả 3 dây, tạo nên hợp âm ngân dài. Nếu dùng móng tay để đánh những âm liên tiếp đều nhau thì gọi là phi, một kỹ thuật của đàn tỳ bà.
• Về kỹ thuật tay trái, người ta sử dụng đàn tam với những cách chính như: bấm (tùy kích cỡ đàn tam mà có thể bấm khác nhau) còn các kỹ thuật láy, láy rền, bật, mổ, luyến, bịt, âm bội... đều giống như cách sử dụng đàn tỳ bà hoặc đàn nguyệt. Người ta thường dùng ngón vê để diễn đàn tam, ít sử dụng ngón rung, Kỹ thuật đánh chồng âm (hợp âm) cũng có hiệu quả tốt đối với đàn tam. Tuy nhiên nếu dùng móng tay để đánh hợp âm thì dễ dàng là dùng móng khảy.

Share by: